“Sử dụng đúng ngôn ngữ báo chí" - Khai thác có hiệu quả các chức năng nghiệp vụ báo chí

 “SỬ DỤNG ĐÚNG NGÔN NGỮ BÁO CHÍ”. Tác giả: DƯƠNG ÚT. Nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM ấn hành

Nhân chào mừng kỷ niệm 96 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2021), Nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM ấn hành tác phẩm mới nhất của tác giả Dương Út “Sử dụng đúng ngôn ngữ báo chí”.




Như chúng ta đã biết, trong thời đại bùng nổ thông tin, các loại hình báo chí, gồm: báo in (viết), báo nói (phát thanh), báo hình (truyền hình), báo mạng (internet), trở thành phương tiện thông tin đại chúng nhanh nhất, hiệu quả nhất và có nhiều công chúng nhất. Các loại hình báo chí đóng góp quan trọng trong việc tuyên truyền, phổ biến, định hướng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân đến với cấp ủy đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể.

Với chức năng quan trọng đó, Đảng Cộng sản Việt Nam đặt ra yêu cầu và nhiệm vụ đối với báo chí: “Báo chí, xuất bản làm tốt chức năng tuyên truyền thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, phát hiện những nhân tố mới, cái hay cái đẹp trong xã hội, giới thiệu gương người tốt, việc tốt, những điển hình tiên tiến, phê phán các hiện tượng tiêu cực, uốn nắn những nhận thức lệch lạc, đấu tranh với những quan điểm sai trái, coi trọng nâng cao tính chân thật, tính giáo dục và tính chiến đấu của thông tin” (Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội)

Như vậy, báo chí có chức năng giao tiếp quan trọng, chuyển tải đa dạng, phong phú nội dung thông tin đến nhiều đối tượng độc giả trong đời sống xã hội. Theo đó, báo chí muốn đạt mục đích giao tiếp hiệu quả thì người viết phải sử dụng đúng ngôn ngữ báo chí.

Báo chí thực hiện nhiệm vụ thông tin kịp thời, đầy đủ các diễn biến, sự kiện, tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội... Do đó, cuốn sách “Sử dụng đúng ngôn ngữ báo chí” của tác giả Dương Út góp phần giúp người làm báo chuẩn hóa trong việc sử dụng ngôn ngữ báo chí để nâng cao chất lượng truyền thông, đáp ứng nhu cầu cung cấp thông tin đòi hỏi ngày càng cao của độc giả.

Ngôn ngữ báo chí chứa đựng thông tin thời sự hấp dẫn, chính xác, cụ thể, và nội dung thông tin tác động sâu rộng đến đời sống xã hội. Mặt khác, báo chí đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát triển tiếng Việt ngày càng giàu đẹp. Bởi chức năng của báo chí được khẳng định: “Nó là một trong những phương tiện để giữ gìn và lưu giữ truyền thống tốt nhất ngôn ngữ của dân tộc. Những chuẩn mực ngôn ngữ được báo chí khai thác nhằm đạt hiệu quả cao nhất trong truyền đạt thông tin” (Hồ Xuân Mai (2014), Ngôn ngữ báo chí và biên tập báo, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội).

Theo TS. Hồ Xuân Mai cũng cho rằng, ngôn ngữ báo chí nói chung, báo chí Việt Nam nói riêng, là một vấn đề hấp dẫn, giúp giải mã vì sao báo chí lại có sức lôi cuốn người đọc; giúp trả lời câu hỏi vì sao cùng là ngôn ngữ toàn dân nhưng khi đứng trong một bài báo, trang báo, nó lại rất khác, không thể lẫn vào bất kỳ phong cách văn bản nào.

Trên cơ sở kế thừa các công trình đã nghiên cứu trước, cuốn sách Sử dụng đúng ngôn ngữ báo chí giới thiệu một số đặc điểm, chức năng, phong cách của ngôn ngữ báo chí. Cũng trên cơ sở đó, tác giả khảo sát, phân tích và chỉ ra những vấn đề sử dụng ngôn ngữ trên báo chí, nhằm giúp người làm báo có thêm “thủ thuật” trong viết báo hoặc biên tập ngôn ngữ báo chí.

Cuốn sách này, còn khái quát các cấp độ ngôn ngữ báo chí, cũng như các bộ phận cấu thành một bài báo. Theo đó, xét theo xét cấu trúc văn bản báo chí thì bài báo bao gồm: tiêu đề, dẫn đề, phần thân và phần kết; trong đó tiêu đề, dẫn đề thường đóng vai trò thông tin hạt nhân, các phần còn lại của bài báo là thông tin xoay quanh thông tin hạt nhân.

Từ kết quả khảo sát nhiều tờ báo khác nhau, tác giả mạn phép chỉ ra một số lỗi diễn đạt của người viết; đồng thời đề xuất một số định hướng khắc phục những lỗi thường xuất hiện trên báo chí.

Với kết cấu 5 phần: 

PHẦN 1: Cơ sở lý luận về ngôn ngữ báo chí

PHẦN 2: Sử dụng ngôn ngữ trên báo chí

PHẦN 3: Dạng thức của văn bản báo chí 

PHẦN 4: Lỗi thường gặp trên báo chí

PHẦN 5: Sử dụng đúng ngôn ngữ báo chí

Cuốn sách Sử dụng đúng ngôn ngữ báo chí của tác giả Dương Út, do Nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM ấn hành đúng dịp kỷ niệm 96 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2021), để thể hiện sự tôn vinh và trân quý ngành báo chí cách mạng Việt Nam, đồng thời góp phần giúp cho phóng viên, nhà báo, biên tập viên, sinh viên ngành báo chí tham khảo để vận dụng vào thực tiễn làm báo.

Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt là công việc lâu dài, phải kiên trì, làm từng bước với tất cả ý thức trách nhiệm của mỗi người chúng ta, với lòng tự hào về tiếng nói của dân tộc. Các cơ quan báo chí và các nhà báo phải coi trọng việc sử dụng tiếng Việt, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên các loại hình, phương tiện truyền thông của cơ quan báo chí mình. Mỗi cơ quan báo chí nên có một bộ phận thường xuyên chăm lo trau dồi ngôn ngữ, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên các ấn phẩm, chương trình, kênh sóng, trang báo của mình. Tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm, trao đổi, sinh hoạt nghiệp vụ về vấn đề này.